Menu
091.663.2282 - 0934.666.282 luatminhchautn@gmail.com

Người nghiện ma túy có quyền bán tài sản không ?

người nghiện ma túy có quyền bán tài sản khôngTình huống: Em trai tôi là người nghiện ma túy đá, đã nhiều lần giấu bố mẹ tôi bán tài sản có giá trị trong nhà để có tiền hút ma túy. Dạo gần đây em trai tôi có ý định bán luôn mảnh đất bố mẹ tôi đang ở (bố mẹ tôi đã già nên trước đây đã sang tên cho em trai để làm nơi thờ cúng). Cho tôi hỏi trong pháp luật Việt Nam có quy định nào về việc người nghiện ma túy có quyền bán tài sản không ? Tôi phải làm như thế nào để ngăn chặn việc em trai bán nhà của bố mẹ tôi ? Xin cảm ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn:

Một người chỉ bị kiểm soát việc chủ động tham gia các giao dịch dân sự khi tự bản thân không đủ năng lực hành vi dân sự (do có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi), hoặc người đó bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố thuộc trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khi đó, việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người này phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (VD cha, mẹ đối với con; vợ đối với chồng và ngược lại …), trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

Trong trường hợp, em bạn là người nghiện ma túy, và gia đình có nhu cầu hạn chế việc bán tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên em bạn, thì gia đình có quyền yêu cầu Tòa án xem xét việc hạn chế năng lực hành vi dân sự của em bạn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

“Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Gia đình có thể nộp đơn yêu cầu tại Tòa án nhân dân nơi em bạn cư trú hoặc làm việc kèm theo các hồ sơ, tài liệu chứng minh em bạn là người nghiện ma túy (thông qua các xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền) và chứng minh cho nguy cơ phá tán tài sản của gia đình (các tài liệu chứng cứ về việc đã bán tài sản trước đó, và các tài sản dự kiến sẽ bán là tài sản cuối cùng của gia đình; hoặc là tài sản là nơi cư trú, là nguồn sinh lợi duy nhất của gia đình…)

Tòa án sẽ xem xét và quyết định có xác định em trai bạn là người thuộc trường hợp cần bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay không. Kèm theo việc tuyên bố này là việc xác định ai là người đại diện theo pháp luật cho em trai bạn và phạm vi đại diện là gì, trong những giao dịch nào.

Khi tòa án có quyết định hạn chế năng lực hành vi dân sự thì tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến các giao dịch thuộc phạm vi đại diện đều phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật mà Tòa án xác định. Các giao dịch giấu hoặc không được người đại diện theo pháp luật đồng ý sẽ không được pháp luật công nhận và có thể bị tuyên bố là giao dịch vô hiệu.

Chuyên viên Thảo Nguyên – Bộ phận tư vấn pháp luật biên tập.