Menu
091.663.2282 - 0947.633.282 luatminhchautn@gmail.com

Đúng sai khi mua xe trả góp bị phạt lỗi không mang theo đăng ký xe

Có thành viên diễn đàn Otofun thắc mắc rằng mua xe ô tô trả góp không được giữ đăng ký xe bản gốc bởi Ngân hàng cho vay vốn đã giữ đăng ký xe và chỉ cấp cho giấy xác nhận rằng Ngân hàng đang giữ bản gốc Giấy đăng ký xe. Khi vi phạm GT bị Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ và phạt thêm lỗi không mang theo đăng ký xe (lỗi này hiện bị phạt từ 200.000đ đến 400.000đ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông)

mẫu Giấy đăng ký xe ô tô

Đối với vấn đề này, mọi người nên biết:

Trước đây Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch về giao dịch bảo đảm (các giao dịch dạng cầm cố, thế chấp…) không nói về việc khi thế chấp tài sản là xe ô tô thì ai giữ Giấy đăng ký xe, nên các Ngân hàng, để bảo đảm an toàn thì đều giữ đăng ký xe và cấp giấy xác nhận cho chủ xe để lưu hành. Các xe nêu trên khi bị Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ thì xuất trình giấy này thay cho đăng ký xe, Cảnh sát giao thông cũng thường bỏ qua trường hợp này mà không xử lý vi phạm

Sau đó, Nghị định 163 nêu trên đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/04/2012. Trong đó, Nghị định 11 có bổ sung 1 nội dung như sau: 

Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Quy định nêu trên là quy phạm pháp luật và có giá trị buộc các bên tham gia giao dịch có nghĩa vụ chấp hành. Điều này có nghĩa là, khi thế chấp ô tô để vay tiền ngân hàng (mua xe trả góp cũng thuộc trường hợp này) thì ngân hàng không được giữ đăng ký xe nữa mà đăng ký xe vẫn do bên thế chấp (tức chủ sở hữu xe) giữ. 

Tuy nhiên, kể từ thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực vào ngày 01/01/2017, thì bên nhận thế chấp (ngân hàng) lại được quyền giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác – và thực tế chưa có LUẬT nào quy định khác cả (quy định tại khoản 6 Điều 323). Mà Bộ luật Dân sự 2015 lại có giá trị pháp lý cao hơn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nên quy định tại Bộ luật dân sự có giá trị ưu tiên áp dụng.

Ở đây nói thêm là Bộ luật Dân sự 2015 có sự phân biệt khi nào thuộc “trừ trường hợp luật có quy định khác” – lặp 16 lần; và “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” – lặp 17 lần. Chưa rõ vì lý do gì có sự phân biệt trên, nhưng nguyên tắc văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thì có hiệu lực bắt buộc chung, không ai được diễn giải theo nghĩa khác so với nghĩa đen của văn bản.

Đồng thời Luật giao thông đường bộ chỉ quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo đăng ký xe (điểm a khoản 2 Điều 48) nên có thể diễn giải cứng nhắc vấn đề này như sau:

Kể từ ngày 10/04/2012 đến ngày 31/12/2016 việc ngân hàng giữ đăng ký xe khi thế chấp ô tô để vay tiền là sai, chủ xe có quyền giữ bản chính đăng ký xe để tham gia giao thông đúng quy định. Ngân hàng có nghĩa vụ không được giữ bản chính đăng ký xe thông qua các dạng hợp đồng, văn bản nhờ gửi giữ …. (các chủ xe thế chấp trong giai đoạn này có quyền yêu cầu Ngân hàng giao trả đăng ký xe theo quy định của pháp luật).

Kể từ thời điểm 01/01/2017 trở đi, Ngân hàng được thỏa thuận với chủ xe về việc giữ giấy đăng ký xe khi thế chấp vay tiền (Nếu ko giao đăng ký xe thì ngân hàng có quyền không cho vay). Khi đó, xe ô tô chủ xe vẫn được giữ xe nhưng nếu đem sử dụng để tham gia giao thông là vi phạm Luật giao thông đường bộ. Cảnh sát giao thông không xử phạt các trường hợp này vừa sai luật, vừa thể hiện nghiệp vụ kém, không đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông. (các chủ xe thế chấp trong giai đoạn này có quyền yêu cầu Ngân hàng giao trả đăng ký xe theo thỏa thuận – vì đã là thỏa thuận thì có quyền thay đổi hoặc hủy bỏ – trong trường hợp Ngân hàng làm Hợp đồng thế chấp sơ hở, không có quy định dạng như hủy thỏa thuận gửi giữ đăng ký xe là vi phạm Hợp đồng dẫn đến việc chấm dứt hoặc hủy Hợp đồng thế chấp hoặc quy định dạng như trong mọi trường hợp, bên thế chấp không có quyền đòi lại đăng ký xe trước thời điểm Hợp đồng thế chấp hết thời hạn).

Các lập luận dạng không bắt buộc mang đăng ký gốc hay bản sao chứng thực có giá trị như bản chính đều là ngụy biện, không có căn cứ pháp lý. Giấy đăng ký xe là Giấy đăng ký xe, bản sao là bản sao. Các bản sao chỉ có giá trị trong các trường hợp nhất định, dùng xuất trình thay cho các bản chính trong các giao dịch (dân sự) hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện thủ tục hành chính (được quy định rõ là xuất trình bản chính, bản sao chứng thực, bản photocopy … tùy thủ tục).

Vài dòng chia sẻ !