Menu
091.663.2282 - 0934.666.282 luatminhchautn@gmail.com

Quy định về bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

Việc bồi thường thiệt hại của chủ xe ô tô, xe máy trong tai nạn giao thông được quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, ô tô, xe máy hay các phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ; và chủ sở hữu các phương tiện này phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật. (Hành vi giao ô tô cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ bị nghiêm cấm theo Luật giao thông đường bộ).

bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông

Chủ sở hữu ô tô, xe máy phải bồi thường thiệt hại trong các tai nạn phát sinh từ nguyên nhân do ô tô, xe máy của mình gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp chủ sở hữu ô tô, xe máy giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng không đúng quy định của pháp luật thì chủ sở hữu ô tô, xe máy phải có trách nhiệm liên đới cùng người trực tiếp điều khiển ô tô, xe máy gây tai nạn bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ví dụ trong trường hợp chủ ô tô đi rửa xe, hay vào khách sạn, giao xe cho nhân viên mà không kiểm tra về điều kiện vận hành xe của nhân viên, dẫn đến việc nhân viên điều khiển xe gây tai nạn, thì chủ xe cũng phải liên đới bồi thường cùng nhân viên đó. Nếu thiệt hại nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ với mức xử phạt có thể lên đến 07 năm tù.

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: 

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; 
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; 
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: 

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; 
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: 

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; 
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng; 
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; 
  • Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở; chi trả cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; hoặc người đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

Ngoài ra, còn các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

  • Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng ô tô, xe máy phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
  • Trong trường hợp thiệt hại do lỗi của cả hai bên, hoặc chỉ thiệt hại chỉ do lỗi vô ý của người bị thiệt hại, thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng ô tô, xe máy vẫn phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này bên bị thiệt hại không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Các thiệt hại phát sinh do người bị thiệt hại không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình cũng sẽ không được bồi thường.