Trình tự, thủ tục Thu hồi đất – Giải phóng mặt bằng tại Thái Nguyên
Trình tự, thủ tục thu hồi đất tại Thái Nguyên theo quy định của Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành gồm các giai đoạn cụ thể như sau:
Trong trường hợp cần sử dụng đất vì các mục đích quốc phòng, an ninh; mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoặc vì do cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai; Nhà nước sẽ quyết định thu hồi đất (quy định tại điều 16 Luật Đất đai 2013).
I. Giai đoạn chuẩn bị
Khi có căn cứ để quyết định tiến hành thu hồi đất, tùy vào thẩm quyền thu hồi đất tại Thái Nguyên, Sở hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Tùy từng địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên hoặc các huyện khác sẽ thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và và tổ công tác đối với trường hợp nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng được giao cho Hội đồng bồi thường thực hiện.
Thành phần Hội đồng bồi thường gồm
– Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: – Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường: Phó Chủ tịch Hội đồng.
– Lãnh đạo các phòng: Tài chính kế hoạch; phòng Kinh tế – Hạ tầng hoặc Quản lý đô thị; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng Lao động- Thương binh và Xã hội: Ủy viên; Chi cục Thuế; Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thuộc phạm vi dự án.
– Đại diện cho lợi ích hợp pháp của những người có đất thuộc phạm vi dự án.
– Một số thành viên khác do chủ tịch Hội đồng quyết định tùy từng địa phương.
Hội đồng bồi thường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
II. Giai đoạn thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm
1. Thông báo thu hồi đất
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất phải ban hành thông báo thu hồi đất và thông báo cho người có đất bị thu hồi biết chậm nhất trước 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết.
Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
Thông báo thu hồi đất bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP:
Lý do thu hồi đất;
Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
2. Tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm
Việc điều tra, khảo sát, thống kê, kiểm đếm được tiến hành sau khi có thông báo thu hồi đất nhằm mục đích lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được lập thành biên bản hoặc biểu kê có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia, chữ ký của người có đất và tài sản trong phạm vi thu hồi (hoặc người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật) có đóng dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; số liệu trong biên bản hoặc biểu kê không được sửa chữa tẩy xoá.
Người sử dụng đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc và sau đó là Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc (trong trường hợp người có đất bị thu hồi không thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc)và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai 2013.
3. Xác nhận các hồ sơ liên quan về đất đai
– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận các nội dung:
+ Tình trạng tranh chấp, nguồn gốc, quá trình, thời điểm sử dụng đất đối với trường hợp người đang sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận;
+ Tính hợp pháp, thời điểm và quá trình hình thành của tài sản gắn liền với đất;
+ Xác nhận đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, tỷ lệ phần trăm (%) diện tích đất nông nghiệp thu hồi; số nhân khẩu trong độ tuổi lao động; đối tượng hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ.
– Công an cấp xã xác nhận về nhân khẩu thường trú của từng hộ.
– Cơ quan thuế (Cục thuế hoặc Chi cục thuế trực tiếp quản lý) có trách nhiệm xác nhận về thu nhập sau thuế làm căn cứ hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện xác nhận đối tượng chính sách được hưởng hỗ trợ.
4. Lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
a. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Nội dung Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
Họ và tên, địa chỉ của người có đất thu hồi;
Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất thu hồi; số lượng, khối lượng, giá trị hiện có của tài sản gắn liền với đất bị thiệt hại;
Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như giá đất tính bồi thường, giá nhà, công trình tính bồi thường, số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội;
Số tiền bồi thường, hỗ trợ;
Chi phí lập và tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Việc bố trí tái định cư;
Việc di dời các công trình của Nhà nước, của tổ chức, của cơ sở tôn giáo, của cộng đồng dân cư;
Việc di dời mồ mả.
Hội đồng bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức họp trực tiếp người dân trong khu vực có đất thu hồi để lấy ý kiến, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; và tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực có đất thu hồi ít nhất là 20 ngày, kể từ ngày niêm yết
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất bị thu hồi.
Hội đồng bồi thường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;
b. Phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
Hội đồng bồi thường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; và gửi Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi; gửi Thông báo về thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi.;
Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
c. Quyền khiếu nại khi bị thu hồi đất
Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.