Quy định về việc xử phạt hành vi dùng tiền lẻ khi thanh toán
Bạn đọc hỏi: Việc xử phạt hành vi dùng tiền lẻ được quy định như thế nào ? Việc vò nát tiền lẻ hoặc cho tiền lẻ vào chai để đi qua Trạm thu phí BOT có vi phạm pháp luật không thưa Luật sư? Ngoài ra, Luật sư có thể tư vấn những việc nào không được phép làm với đồng tiền và nếu vi phạm sẽ bị xử lý thế nào. Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn về việc xử phạt hành vi dùng tiền lẻ như sau:
Tiền mệnh giá thấp là tiền và là tài sản hợp pháp của người dân, và được sử dụng trong tất cả các hoạt động thanh toán thường ngày. Không có bất kỳ quy định nào cấm sử dụng tiền lẻ trong thanh toán, hoặc xử phạt hành vi dùng tiền lẻ để thanh toán.
Tuy nhiên, mặc dù tiền là tài sản và chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt, nhưng quyền này bị hạn chế một phần bởi tiền là vật đặc thù, là công cụ trung gian thanh toán do nhà nước phát hành.
Việc sử dụng tiền khi thanh toán cũng phải được thực hiện đúng quy định. Người dân dùng loại tiền mệnh giá thấp để thanh toán không sai; nhưng việc vò nát, hoặc cho tiền lẻ vào trong chai, lọ để thanh toán khi qua trạm thu phí là hành vi không theo logic bình thường.
Theo quy định tại Điều 3, Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào”. Hành vi hủy hoại tiền có thể bao gồm nhưng không giới hạn bởi các hành vi như cắt, xé, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền. Các hành vi bảo quản tiền như cho tiền vào chai, cho tiền vào lợn tiết kiệm … thì không vi phạm pháp luật.
Khi thực hiện hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật (thực hiện khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền), thì người vi phạm có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng do vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi được thực hiện do cố ý nhằm mục đích cản trở giao thông (thu thập qua các video tại trạm, clip do các tài xế chủ động phát ngôn hoặc qua các phương thức khác …) thì người thực hiện có thể bị xem xét xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội … hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật hình sự.
Do đó, các lái xe nên có các phương thức thanh toán bằng tiền lẻ một cách phù hợp; và cẩn trọng trong các tuyên bố, ứng xử công khai để tránh bị xác định là gây rối hoặc lôi kéo, kích động người khác gây rối và bị Cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết: