Menu
091.663.2282 - 0934.666.282 luatminhchautn@gmail.com

Quyền tự do biểu tình và thực hiện quyền “biểu tình” đúng luật

Quyền tự do biểu tình !?

Mặc dù Hiến pháp 2013 đã quy định hiến định quyền tự do biểu tình của người dân, và quy định bổ sung: “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nhưng pháp luật hiện hành không có quy định trực tiếp để cho người dân thực hiện quyền tự do biểu tình một cách cụ thể.

Cần nói thêm rằng, từ thời Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 31 ngày 13/09/1945 về việc biểu tình với nội dung như sau: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà; Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;” vậy nên “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.”.

Tức ngoài việc khai trình với UBND trong thời kỳ đặc biệt (ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập, tình hình an ninh, chính trị, nền độc lập của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cản trở) thì việc biểu tình của người dân được thực hiện một cách tự do.

Hiện nay, sắc lệnh số 31 về quyền tự do biểu tình nêu trên vẫn đang có hiệu lực thi hành, bởi nó chưa bị hủy bỏ hay bãi bỏ bởi một văn bản quy phạm pháp luật hợp pháp nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quyền tự do biểu tình

Quy trình “biểu tình” đúng luật

Tuy nhiên, bằng một cách gián tiếp, nhà nước có quy định về việc “biểu tình” dưới tên gọi “hoạt động tập trung đông người” như sau:

“4.1. Hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư này là những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.” (1)

Việc thực hiện quyền tập trung đông người này được thực hiện theo quy trình sau:

  1. Chuẩn bị hồ sơ:

Trước khi tập trung đông người, người đại diện đăng ký nộp 02 tài liệu sau (mẫu tại link dưới chú thích  (2):

  • Bản đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng và;
  • Sơ yếu lý lịch của người đăng ký
  1. Nộp hồ sơ (trước 7 ngày khi tập trung)

Người đại diện đăng ký xuất trình CMND khi nộp hồ sơ nêu trên tại UBND huyện (nếu tập trung tại 01 huyện) hoặc UBND tỉnh (nếu tập trung ở nhiều huyện, hoặc người của nhiều huyện cùng tập trung) 

Khi nộp xong hồ sơ sẽ được nhận giấy hẹn

  1. Nhận thông báo phản hồi của UBND nơi nộp hồ sơ.

Về nguyên tắc, trong vòng 07 ngày, UBND nơi nhận hồ sơ sẽ có thông báo phản hồi hồ sơ về việc cho phép/không cho phép tiến hành hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng.

Nếu không có thông báo, theo lý, người dân có quyền khiếu nại về việc này và tạm thời chưa được tổ chức tập trung đông người; còn về tình, có thể áp dụng nguyên tắc “im lặng là đồng ý”, “không phản đối là đồng ý” để vẫn tiến hành tập trung, vì thực tế, cũng có một số trường hợp nhà nước áp dụng nguyên tắc này trong các thủ tục hành chính/tố tụng.

  1. Xử phạt vi phạm hành chính.

nhiều trường hợp tụ tập đông người không bị xử phạt, nhưng về mặt pháp lý, hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2.000.000đ – 3.000.000đ cho các vi phạm:

  • Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
  • Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
  • Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm;

Việc có xử phạt hay không tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đa phần dựa trên hai yếu tố: hành vi tập trung đông người có ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự công cộng theo hướng xấu (xử phạt bị động) và/hoặc khi nhà nước thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp răn đe của nhà nước (xử phạt chủ động).

Chú thích:

[1] Khoản 4.1 mục 4 Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

2 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-tu-09-2005-TT-BCA-bien-phap-bao-dam-trat-tu-cong-cong-huong-dan-thi-hanh-Nghi-dinh-38-2005-ND-CP-17573.aspx